NHỮNG KIẾN THỨC VỀ PHẬT GIÁO

Một vài khái niệm về Phật giáo Nam Tông

24/09/2019 Bởi:Admin
Một vài khái niệm về Phật giáo Nam Tông

Phật giáo Nam Tông hay còn được gọi là Phật giáo Nguyên Thủy là một trường phái của Phật giáo do Mục Kiền Liên Tử Đế Tu thành lập. Năm 250 trước công nguyên Phật giáo Nam Tông được đưa về Tích Lan (Sri Lanka ngày nay) bởi vị cao tăng Ma Hi Đà (con trai vua A Dục). Phật giáo Nam Tông là một chi nhánh lâu đời nhất của Phật giáo, và gần với Phật giáo ban đầu nhất so với các môn phái khác của Phật giáo ngày nay. Phật giáo Nam Tông ngày nay có ở các nước Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar nhưng Sri Lanka vẫn là địa cứ của trường phái Phật giáo này.

Về cơ bản Phật giáo Nam Tông và Phật giáo ngày nay đều thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị La Hán khác. Nhưng Phật giáo Nam Tông lại chỉ thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị La Hán, còn các trường phái khác của Phật giáo ngày nay lại thờ thêm các vị bồ tát khác. 

Các bạn cùng tham khảo một số đặc điểm cơ bản của Phật giáo Nam Tông khác: 

An cư và Dâng y

Lễ Dâng y của Phật giáo Nam Tông

Truyền thống An cư của Phật giáo Nam tông thường là an cư tại chỗ, chưa từng thấy an cư tập trung như Phật giáo Bắc tông, chắc có lẽ số lượng Tăng sĩ hiện quá ít. Tuy nhiên năm nay (2003) ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã tổ chức quy tụ chư Tăng tại một số địa điểm để học tập và thảo luận những chuyên đề căn bản nhằm giúp chư Tăng hiểu biết đường hướng hoạt của Giáo hội và Nhà nước. Trong khóa học, Ban Tổ chức có mời các vị giáo phẩm từ Trung ương Giáo hội và Ban Tôn giáo của Chính phủ đến giảng dạy và nói chuyện. Thời gian an cư là từ 16 tháng 6 âm lịch đến 15 tháng 9 âm lịch.

Sau khi mãn mùa An cư kiết hạ, theo giới luật, chư Tăng có một tháng để tổ chức dâng y, từ 16 tháng 9 đến 15 tháng 10 âm lịch. Thường ở Việt Nam mỗi chùa cử hành lễ Dâng y một ngày cố định trong một tháng, luân phiên nhau từ chùa này đến chùa nọ, nên không khí mùa lễ hội tràn ngập tinh thần hoan hỷ của chư Tăng và Phật tử. Một chùa có một thí chủ dâng y hoặc là thí chủ tập thể.

Ẩm thực

Chư Tăng Nam tông chỉ dùng ngọ (dùng ngày một buổi, không ăn sau 12 giờ trưa), thường sáng ăn cháo, trưa dùng ngọ (bữa cơm chính trong ngày). Điểm chú ý trong truyền thống Phật giáo Nam tông là chư Tăng không ăn chay thuần túy như Phật giáo Bắc tông, mà đuợc phép dùng mặn theo luật Tam tịnh nhục. Nghĩa là thực phẩm mặn phải hợp thời, không thấy, không nghi và không nghe (thấy) sinh vật bị giết vì mình. Luật Tam tịnh nhục được ghi chép trong Luật tạng Nam tông. Đa số những quốc gia tu theo truyền thống Nam tông cũng thực hành luật Tam tịnh nhục này.

Tam y và nhất bát

Y phục của Phật giáo Nam Tông

Tam y nhất bát là hình thức truyền thừa từ thời Đức Phật đến ngày nay. Phật giáo Nam tông các nước đều gìn giữ truyền thống này một cách nghiêm túc và nhất quán. Tam y là y Tăng già lê, y nội và y vai trái, bình bát là dụng cụ để chư Tăng trì bình khất thực mỗi ngày, thậm chí chư Tăng sử dụng bình bát để độ ngọ. Đức Phật cũng từng ví con chim sống được nhờ cái mỏ, bậc xuất gia sống được nhờ bình bát. Tài sản của bậc xuất gia bên ngoài có tam y và bình bát, bên trong có Giới Định Tuệ. Trong chùa chư Tăng mặc y hở vai phải, đi ra ngoài mặc kín mình. Y Tăng già lê thường sử dụng trong những đại lễ như lễ xuất gia, lễ Dâng y v.v... Điểm chú ý là y phục truyền thống Nam tông khác biệt với Bắc tông, sự khác biệt này chắc có lẽ khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa.

Kiến trúc và tôn thờ

Kiến trúc Phật giáo Nam tông cho đến tận ngày nay vẫn còn chưa nhất quán, mỗi chùa mỗi vẻ, hình như vẫn chịu ảnh hưởng nặng hình thức kiến trúc của Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Điều đó không có nghĩa là không có tính dân tộc. Các chùa (tinh xá) Thích Ca Phật đài, Phước Hải, Bửu Long, Bửu Thắng, Kỳ Viên, Pháp Quang vẫn có đường nét kiến trúc khá độc đáo, tính dân tộc hòa quyện trong đường nét kiến trúc đó. Nói cụ thể, Thích Ca Phật đài, tuợng Phật lộ thiên là một Đức Phật rất Việt Nam, có thể nói đó là một biểu tuợng rất tuyệt vời trong giới Phật giáo Việt Nam. Cổng tam quan và bảo tháp, tuy bề thế thì không lớn như công trình khác, nhưng thời điểm xây dựng thì quả là một công trình đáng ghi nhận và mang tính dân tộc đậm đà. Điểm lôi cuốn chúng ta là tính dân tộc đã thể hiện trong những những công trình kiến trúc ấy.

Cách tôn thờ trong các chùa, tinh xá theo truyền thống Nam tông, thường ở chánh điện chỉ tôn trí Đức Phật Thích Ca trong nhiều tư thế ngồi, đứng, nằm và đi bát. Nguời Phật tử Nam tông chỉ tôn thờ duy nhất Phật Thích Ca trong nhà.

Viết bình luận
VN EN